Người đăng: Hoàng Nguyễn Ngày đăng: 18/07/2021 06:38
Đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) có gần 2.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các dịch vụ có liên quan. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này số lao động làm việc trong lĩnh vực này ở Phú Quốc chỉ khoảng 11.000 người, đáp ứng chưa tới một nửa nhu cầu.
Ông Phạm Văn Nghiệp, phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho biết kể từ khi có sân bay quốc tế, có điện lưới quốc gia từ đầu năm 2014 đến nay, tốc độ tăng trưởng du lịch của Phú Quốc tăng "chóng mặt".
Thiếu nhân lực nghiêm trọng
Liên tục các khu nghỉ dưỡng 4 sao, 5 sao của các tập đoàn lớn như: Vingroup, Sun Group, CEO, BIM... được đưa vào hoạt động với công suất hàng ngàn phòng lưu trú mỗi nơi đã đẩy nhu cầu tuyển dụng nhân viên làm du lịch tăng vọt.
Chưa kể, ngoài những resort 4 - 5 sao nói trên, hàng trăm khách sạn, nhà nghỉ cũng đua nhau mọc lên ở Phú Quốc càng khiến tình trạng khan hiếm nhân sự làm du lịch trở nên gay gắt.
Ghi nhận thực tế cho thấy các cơ sở dịch vụ du lịch chia 3 ca để thuê nhân viên. Ca 1 từ 6h - 14h, ca 2 từ 14h - 22h và ca 3 từ 22h - 6h sáng hôm sau. Việc chia ca làm trong ngày đã tạo điều kiện cho hàng ngàn người làm lao động thời vụ cho các khách sạn, nhà nghỉ.
Chị Trần Thị Thu (47 tuổi, quê ở Tiền Giang) cho hay mình cùng gia đình tới đảo Phú Quốc đã 4 năm. Mỗi ngày, chị Thu cùng em và con gái chia ra dọn phòng cho 3 khách sạn. Mỗi nơi trả thù lao 3 triệu đồng/tháng, tính ra mỗi tháng 1 người được khoảng 9 triệu đồng.
"Mình lớn tuổi, không có ngoại hình nên chia giờ đi dọn phòng. Còn mấy cháu trẻ tuổi, lanh lẹ, có trình độ, ngoại hình ưa nhìn thì mỗi ngày trực lễ tân 2 ca cũng có thu nhập hơn chục triệu. Dù không ổn định và ít đãi ngộ nhưng bù lại thu nhập khá hơn so với lúc ở quê làm ruộng" - chị Thu chia sẻ.
Rất ít nhân viên có thể trao đổi tốt với du khách nước ngoài bằng ngoại ngữ - Ảnh: K.NAM
Nói về sự tăng trưởng phòng ở Phú Quốc thời gian qua, một trưởng phòng phụ trách mảng dịch vụ khách sạn tại công ty lữ hành lớn ở TP.HCM cho biết dù làm việc với các khách sạn ở Phú Quốc dường như hằng ngày nhưng hiện ông cũng không thể biết hết tên khách sạn vì tốc độ mở mới quá nhanh, phải nói là mở liên tục.
Từ một điểm đến bị than thiếu phòng những năm 2013-2014, hiện nay Phú Quốc đang ở trong giai đoạn phát triển "thần tốc" của du lịch, dịch vụ và đặc biệt là cơ sở lưu trú, khách sạn 4-5 sao với cả ngàn phòng mỗi năm.
Chính sự phát triển quá nóng này mà Phú Quốc đang hút một lượng nhân sự lớn từ các địa phương khác đổ về, nhân sự dù ở cấp nào cũng được săn đón quyết liệt. Rất nhiều nhà điều hành khách sạn, kể cả những khách sạn sắp khai trương thừa nhận đang rơi vào tình trạng vất vả chuẩn bị nguồn nhân lực, tuyển dụng rồi đưa đi đào tạo nghiệp vụ nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Nhiều nhân lực cần được đào tạo lại
Trong số các nhân viên được cử đi đào tạo lại, tỉ lệ sử dụng chỉ được khoảng 70%. 30% còn lại rơi rớt dần vì không phù hợp hoặc không đạt tiêu chuẩn của ngành. Các doanh nghiệp phải sử dụng lao động dưới chuẩn của mình hoặc thuê mướn lao động của Singapore, Philippines, Malaysia... kéo chi phí lên cao.
"Với tình trạng nhân lực mong manh như hiện nay, nếu lượng khách đột ngột tăng cao thì chưa chắc đã đem lại hiệu quả kinh doanh tương ứng bởi chi phí tăng thêm rất cao, đặc biệt là chi phí cho nguồn nhân lực", phụ trách buồng phòng của một khách sạn 4 sao ở Phú Quốc cho biết.
Theo các doanh nghiệp lữ hành, nhân sự trong ngành du lịch hiện thiếu trầm trọng gần như ở tất cả khâu từ nhân viên lễ tân đến quản lý khu vực F&B và ngay cả hướng dẫn viên, khiến việc phát triển các dòng tour cao cấp phải cân nhắc dù Phú Quốc đang được biết là thiên đường nghỉ dưỡng.
Ông Nguyễn Minh Bảo, giám đốc điều hành Tugo, cho biết do thiếu nhân sự chất lượng tốt nên bản thân các công ty lữ hành khi thiết kế các gói tour cao cấp cũng phải tính rất kỹ. Với các chùm tour cao cấp, nhân sự đóng một vai trò rất quan trọng, các khách hàng tour cao cấp có những đòi hỏi trải nghiệm riêng, thật sự đẳng cấp. Vì vậy bên cạnh các dịch vụ chất lượng 5 sao họ cũng đòi hỏi hướng dẫn viên chuyên nghiệp, đội ngũ phục vụ có trình độ xử lý tình huống tốt.
Đào tạo nhân viên phục vụ phòng tại resort Sài Gòn - Phú Quốc - Ảnh: K.N.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thừa nhận tốc độ phát triển khách sạn và resort mới đang vượt nhanh hơn khả năng cung ứng nhân lực của ngành dẫn đến đầu ra từ các trường đào tạo chuyên ngành du lịch gần như không đủ cung cấp cho thị trường thời điểm này và cả những năm sắp tới.
Theo ước tính từ Tổng cục Du lịch, lượng học sinh - sinh viên ra trường hằng năm nằm trong khoảng 15.000 nhân lực phục vụ ngành du lịch, con số còn khiêm tốn so với nhu cầu lớn ước tính từ thị trường.
Ngoài ra, theo đánh giá chung hiện nay của các nhà tuyển dụng, ước tính chỉ khoảng 65-70% nguồn nhân lực tốt nghiệp đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, chưa kể một tỉ lệ học sinh - sinh viên được đào tạo ra trường lựa chọn làm việc trong các nhóm ngành kinh tế khác. Điều này gây nên khó khăn lớn cho các nhà tuyển dụng và các trường đào tạo, nguồn cung chưa đáp ứng được cầu.
Theo tuoitre.vn