Người đăng: Hoàng NguyễnNgày đăng: 19/11/2024 02:08
Hồi sinh đảo hoang
Hòn Mây Rút là đảo xa nhất của chuỗi đảo thuộc xã Hòn Thơm (Kiên Giang). Từ vịnh An Thới, đò chạy giữa tiếng sóng vỗ ì oạp vào ghềnh đá khi qua các đảo lân cận. Chặng cuối cùng vào Mây Rút phải vượt qua một vùng biển nước xanh đen thăm thẳm.
Người lái đò mách nhỏ, đây là vùng biển sâu nhất, nhưng sóng lại rất hiền hòa, tàu, đò qua đây cứ chạy êm ru. Nhà nữ chúa hòn Mây Rút được bao bọc bởi màu xanh ngút ngàn của dừa và vựa trái cây đủ loại. Một trang trại màu mỡ, sức sống tươi non của vạn vật. Nhưng để có được cảm nhận như thế, thì người đàn bà ngồi trước mặt chúng tôi đã phải vắt cạn mồ hôi, nước mắt thậm chí cả máu vào từng thớ đất trên đảo nhỏ này. Người đời gọi bà là nữ chúa Bảy Yên.
Nữ chúa Bảy Yên tên thật là Trần Thị Khiêu, 85 tuổi, quê ở huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Bà Khiêu lấy chồng là ông Phạm Văn Yên, một chiến sĩ cách mạng, bị chế độ Sài Gòn cũ truy đuổi gắt gao, ông dắt vợ chạy ra Phú Quốc. Kẻ thù tiếp tục tìm diệt gia đình họ đến chân tường.
Cặp bờ biển, hết đường chạy, may thay có chiếc ghe nhỏ đi đánh cá, họ xin nhờ chở tới hòn đảo hoang Mây Rút với hành trang là vài ký gạo, mấy bộ quần áo và một con dao rựa. Trước khi gia đình bà Bảy Yên đặt chân đến, thì hòn Mây Rút vẫn chỉ là một đảo hoang dã chưa hề có dấu chân người.
Giữa bốn bề xanh thẳm của đại dương, trên đảo cỏ cây hoa lá xếp thành rừng và tuyệt nhiên không có gì cho 6 đứa con còn nhỏ của vợ chồng Bảy Yên cầm cự. Quay đầu lại là đất liền, mũi súng giặc thù đã lên nòng, ở lại đảo may ra còn cứu vớt sự sống. Gạo mang theo dành dụm nấu cháo thật loãng cho các con ăn. Có đất là có tất cả, ngoài kia biển không thiếu cá tôm, cái ý nghĩ mộc mạc chân chất của người nông dân miền Tây nhanh chóng biến thành hành động.
Vợ chồng Bảy Yên chặt lá dựng chòi, phá đất, phát cỏ hoang trồng cây ăn trái và rau xanh. Họ đi kiếm cá tôm ngoài biển, rồi nhờ tàu, ghe của bà con ra khơi vào đất liền đổi gạo, lấy nước ngọt.
Năm 1979, bọn Ponpot từ Campuchia tràn sang, mấy chiếc thuyền lớn chở theo đạo quân tay lăm lăm súng, mặt đằng đằng sát khí cặp đảo tìm người để diệt. Do được cảnh báo trước nên vợ chồng Bảy Yên âm thầm nhắc nhở các con trèo hết lên ngọn dừa trốn.
Bọn giặc vào, lùng sục nhà cửa không thấy ai, chúng bắn giết mấy con vịt rồi rút khỏi. Thoát chết trong gang tấc, vợ chồng Bảy Yên cảnh giác hơn, hằng ngày cử thằng lớn trèo lên ngọn dừa quan sát hễ thấy động tĩnh gì thì báo liền. Nguy hiểm rồi cũng qua khi đất nước hoàn toàn sạch bóng quân xâm lược, gia đình chúa đảo quay về với cuộc sống thường nhật.
Bầy con của Bảy Yên lớn lên nheo nhóc một đàn, đứa lớn trông đứa bé, đứa lớn hơn thì giúp cha mẹ đi biển, trồng cây trái, chăn nuôi heo. Đảo xa hiu hắt, những đợt gió bão mịt mờ, căn chòi lợp lá rách tơi tả, lũ con của Bảy Yên túm tụm vào nhau, co ro kéo tấm chăn mỏng tìm hơi ấm. Họa hoằn lắm mới có tàu, bè ghé đảo xin nước, khi ấy người ta thấy cảnh "khỉ đói một bầy" thương tình cho tấm áo hoặc một chút đồ ăn thức uống.
Con cái Bảy Yên lớn lên trong đói khổ, mù chữ từ đó mà ra. Bởi ở đảo, phương tiện để ra ngoài không có, tiền không có thì lấy gì cho con vượt đảo đi tìm con chữ. Ngậm đắng nuốt cay, vợ chồng Bảy Yên không thể làm gì hơn được nữa.
Ngày ra đảo, gia tài duy nhất của gia đình Bảy Yên là con dao rựa, nhờ con dao ấy mà đất đảo đổi thay từng ngày, dừa xanh mọc bao bọc quanh đảo gọi gió, cản sóng, trái dừa trở thành chiếc "cần câu cơm" trao đổi vật dụng với người đất liền. Thuyền nhỏ đã sắm được, toàn bộ diện tích đất đảo được phủ màu xanh của trái cây các loại, trong chuồng, heo gà hàng bầy. Cuộc sống của gia đình nữ chúa Bảy Yên đổi thay từng ngày.
Vượt sóng dữ tìm dâu, chọn rể
Trong thế giới của hòn Mây Rút, ngoài đại gia đình Bảy Yên thì xung quanh không một bóng người. Các con của Bảy Yên đến tuổi cặp kè, chúng đành câm lặng sống, không dám đòi hỏi. Trai đến tuổi dựng vợ, cứ tồng ngồng ở đảo, không thể kiếm đâu ra mụn gái để tán tỉnh. Gái đến tuổi gả chồng, e thẹn dưới gốc dừa dõi ánh mắt khao khát về phía đất liền, thèm một mối tình dù có "sứt môi lồi rốn". Bảy Yên nhìn đàn con, trăn trở ngày đêm. Rồi bà quyết định chèo ghe vào đất liền, kiếm mối cho con.
Đoạn đường từ hòn Mây Rút vào đất liền phải mất cả nửa ngày chèo đò, qua vùng biển chết, sâu hoắm, nước đen kịt. Nhưng điều đó không làm Bảy Yên nao lòng, vì tương lai, hạnh phúc và nòi giống của đàn con, bà quyết tâm một phen "đạp sóng" vào bờ.
Bà ra chợ, hễ gặp người nào bà cũng dò hỏi xem nhà ai có con gái, con trai đến tuổi cặp kê. Người ta giới thiệu, bà gặp mặt chấm thấy được là bà quay về đảo liền. Ngày hôm sau, bà dắt thằng con lớn vượt đảo vào xem mặt cô gái. Chúng nó ngượng ngùng, chẳng dám nhìn thẳng vào nhau, chẳng dám nói chuyện với nhau, bà ngồi bên thay mặt con trai "tán" cô gái nọ.
Cô gái đồng ý, bước tiếp theo là phải dẫn cô ấy ra đảo xem cuộc sống tương lai thế nào. Không phải cô gái nào cũng chấp nhận cuộc sống làm dâu nơi đảo xa lạnh lẽo nhà Bảy Yên. Nhưng rồi bà hứa, cưới xong đảm bảo cho vợ chồng vào bờ sống, cho tiền làm ăn. Nghe thấy mủi lòng, cô gái gật đầu về làm dâu. Lần lượt mấy nàng dâu nhà Bảy Yên đều "cưỡi sóng" về nhà chồng như thế.
Lấy vợ cho con trai khó hơn kén chồng cho con gái. Bởi đàn ông con trai ở xứ đảo rất nhiều. Họ đều có chung số phận là nghèo khổ, sống lênh đênh trên biển nên dễ dàng chấp nhận lấy một cô vợ đảo, miễn là có khả năng sinh con đẻ cái nối dõi tông đường. Nỗi lo của nữ chúa Bảy Yên dần được khỏa lấp và xóa nhòa bởi những nàng dâu, chàng rể do chính bà mai mối, chọn lựa. Thế nhưng cuộc sống của những nàng dâu trên đảo mới thật sự là gánh nặng đối với mẹ chồng.
Họ sống ở đất liền quen, lấy chồng về đảo, ngày đêm chỉ có tiếng sóng vỗ, tiếng tàu dừa lao xao. Buồn tẻ, có nàng dâu mới về được một ngày đã nằng nặc đòi vào đất liền. Chiều nào cô ta cũng đứng ngóng vào bờ, buồn ủ rũ. Nhưng rồi riết là quen, phải chấp nhận thôi. Có khóc ở đây cũng không ai nghe, có buồn không ai thấu thậm chí có đánh nhau cũng chẳng ai hay.
Bà Bảy kể lại: "Tôi thuyết phục, khuyên nhủ chúng nó dữ lắm. Đã lấy chồng thì phải theo chồng. Hơn nữa, cuộc sống bây giờ đã là quá ổn định. Đảo không còn hoang hóa, nước ngọt không còn thiếu thốn, cơm ăn no, áo mặc ấm, chỉ việc sống thôi mà buồn phiền gì. Thế mà nó chịu nghe, buồn mấy ngày rồi quen".
Con gái bà Bảy lấy chồng có đứa theo chồng vào đất liền, có đứa lại dắt nhau về xin bà miếng đất ở trên đảo, bà cũng cho. Đất không thiếu chỉ sợ sức người có hạn không biết tận dụng, khai phá. Hơn nữa, ngoài biển, tôm cá thiếu gì, bây giờ công cụ đánh bắt gia đình đều có cả, chỉ việc bỏ sức ra mà đi làm thôi.
Nữ chúa Bảy Yên đã điều khiển con cái bằng triết lý bình dị của chính cuộc đời bà. Sống trên đảo này hơn nửa thế kỷ, bà đã hiểu quá rõ cái quy luật bất biến của vạn vật và cả con người: "Đổ mồ hôi ra, sẽ gặt thành quả".
Cách đây 7 năm, người chồng cùng kề vai sát cánh với bà đã lìa trần, ông được chôn cất ngay trên mảnh đất của hòn Mây Rút. Đúng như lời hứa của bà Bảy, các con của bà đứa nào muốn vào đất liền, bà tạo điều kiện hết. Hiện giờ trên đảo chỉ còn mình nữ chúa Bảy Yên và một người con gái thứ 8 chăm sóc bà.
Con cái muốn đón bà vào đất liền, sống nốt quãng đời còn lại trong hơi ấm của phố thị, nhưng bà nhất quyết không chịu. Mỗi tấc đất ở đảo đã thấm mồ hôi, nước mắt hơn nửa cuộc đời bà, mỗi hạt cát của đảo biết đâu lại là linh hồn của chồng bà, con bà, bà không thể rời bỏ được. Bà đẻ nhiều, lam lũ cực khổ cũng nhiều nhưng do biết cách chữa bệnh bằng những bài thuốc hoang dã nên cứ khỏe re. Tuổi ngót 90 mà răng giờ còn chưa rụng hết, vẫn móm mém nhai trầu, trọm trẹm ăn ghẹ
Bà Tám Nữ 54 tuổi (con gái thứ 8 của nữ chúa Bảy Yên) cho biết: "Má tôi không chịu vào đất liền đâu, ngày nào bà cũng ra ngồi hóng gió ở rặng dừa quay mặt ra biển, bà nhai trầu và lẩm bẩm hát với gió. Má thấy bình yên ngay cả khi cơn giông vừa ập tới. Đối với má tôi, bà đã sống và nếm trải đủ vị mặn đắng của biển và đất nên bà cứng cỏi, dạn dày như đá, như sương vậy".
Nguồn bài viết: https://cand.com.vn/Phong-su-Tieu-diem/Nu-chua-dao-May-Rut-cuoi-song-tim-vo-cho-con-i321037/ - Bài đăng ngày 31/08/2013